Hiệu trưởng như thế nào thì được thầy cô yêu mến?
Lượt xem:
Hiệu trưởng được ví như linh hồn của ngôi trường. Có được người hiệu trưởng tốt tinh thần giáo viên sẽ vui vẻ và luôn cảm giác thoải mái dễ chịu.
Ngược lại, người hiệu trưởng hà khắc (không nói là nghiêm khắc) thì mọi thứ trở nên khá tồi tệ. Thầy cô đến trường luôn trong tâm trạng căng thẳng, khó chịu. Vì thế, chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng theo.
Vậy người hiệu trưởng tốt là người như thế nào? Giáo viên mong muốn nhất điều gì từ họ?
Người hiệu trưởng tốt là người như thế nào? Ảnh minh họa: Pin Art |
Thoải mái nhưng không dễ dãi
Làm cuộc phỏng vấn bỏ túi nhiều đồng nghiệp, chúng tôi rút ra một điều. Những hiệu trưởng quá dễ dãi trong mọi chuyện chỉ có những giáo viên ít có tính nghiêm túc trong công việc mới thích.
Ngược lại, giáo viên nhiệt tình, gương mẫu, năng nổ lại rất thích có hiệu trưởng luôn nghiêm khắc, việc nào ra việc ấy.
Nói đến chuyện này, tôi nhớ tới chuyện một trường tiểu học trong thị xã. Cô hiệu trưởng vốn là người nghiêm khắc, mọi công việc làm phải đâu vào đấy, giờ dạy ra dạy, giờ chơi ra chơi chứ không bị trộn lẫn vào với nhau.
Nếu giáo viên, nhân viên nào vi phạm, chính cô hiệu trưởng sẽ mời vào phòng nhắc nhở.
Cũng nhờ thế mà mọi nề nếp học tập và sinh hoạt của trường luôn nằm trong tốp những trường dẫn đầu của thị xã. Nhiều thầy cô yêu quý cô nhưng cũng không ít người sợ và ghét.
Vài năm sau, cô chuyển về làm hiệu trưởng một trường học khác. Một hiệu trưởng mới về thay. Khác với cô hiệu trưởng trước đây, cô hiệu trưởng mới lại quá dễ dãi trong mọi chuyện.
Một số giáo viên đi dạy không đúng giờ, tự ý đổi tiết, hồ sơ sổ sách, báo cáo chậm trễ, giảng dạy thiếu sự nhiệt tình… do dễ dãi nên có khi cô nhắc, có lúc lại bỏ qua.
Thế là nề nếp nhà trường bao năm đã bị phá vỡ.
Nhiều người trước đây ghét cô hiệu trưởng cũ lại tỏ ra nuối tiếc và ao ước “giá cô ấy về lại trường mình thì tốt biết bao nhiêu”.
Giáo viên đi dạy trễ, thầy nói rằng “nếu là thầy cô nghiêm túc không bao giờ đi dạy trễ thì hôm ấy chắc chắn gia đình có chuyện gấp, xe hư hay một lý do gì bất khả kháng nên thầy sẽ không nhắc nhở.
Nhưng nếu đó là giáo viên thiếu tính nghiêm túc thì lý do đưa ra đôi khi chỉ là ngụy biện và phải nhắc để lần sau không vi phạm nữa“.
Giáo viên thích được đối xử công bằng
Luôn nói hai chữ công bằng nhưng không phải hiệu trưởng trong trường học cũng làm được điều này. Bất kì trường học nào, hiệu trưởng cũng có cho mình một số người thân tín.
Người khôn khéo không lấy cái thân để xử lý công việc. Trước tập thể mọi giáo viên đều bình đẳng như nhau.
Mâu thuẫn xảy ra nhiều nhất cũng xuất phát từ việc giáo viên bị đối xử không công bằng.
Ví như thời khóa biểu người này phân đẹp (dạy liền tiết) thời khóa biểu người kia xấu (các tiết bị phân lủng lỗ như dạy một tiết nghỉ một tiết rồi dạy tiếp…).
Hay cũng mắc lỗi đó, người này chỉ bị nhắc nhở thậm chí bỏ qua nhưng người kia bị soi mói và làm khó.
Rồi phân lớp, phân khối dạy người thân tín được chọn nguyện vọng, người không ưa cứ thẳng tay phân công… Hay như góp ý tiết dạy vẫn còn có hiện tượng “không ưa dưa có dòi”. Còn người thân tín khi góp ý chỉ toàn nói lên điểm tốt…
Thích sự tế nhị hơn kiểu sỗ sàng
Nhiều đồng nghiệp kể lại rằng, có lần mình bị hiệu trưởng quát mắng trước mặt học sinh và phụ huynh chỉ vì một việc cũng chẳng to tát gì.Hễ họ sai là như “súng bắn liên thanh” trước mặt.
Hay có hiệu trưởng quát nạt giáo viên ngay trong cuộc họp hội đồng nhà trường.
Giáo viên bị la mắng cảm thấy mình bị xúc phạm, bị mất uy tín và mắc cỡ với đồng nghiệp, với những học trò cũ nay cũng là đồng nghiệp chung trường.
Nói về tế nhị có lẽ thầy hiệu trưởng của tôi vẫn luôn được xếp đầu. Dù thầy khá nóng tính và rất nghiêm khắc nhưng chưa bao giờ giáo viên nào bị thầy la mắng, quát nạt chứ nói gì đến chuyện có mặt người khác.
Mọi góp ý cũng hết sức nhẹ nhàng, người mắc lỗi sau khi nghe hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Vì thế, hiệu quả còn cao hơn nhiều kiểu “bị đao to búa lớn”.
Lần ấy, tôi mới về trường nên chưa hiểu nhiều về những quy định của trường mới. Đang ngồi ở văn phòng nghỉ tiết, một giáo viên vào nhờ tôi dạy giúp. Thay vì báo cáo ai nhờ dạy (dạy cho thầy cô nào phải báo Ban giám hiệu), tôi lên lớp dạy luôn.Chúng tôi làm sai luôn bị nhắc nhở nhưng cách nhắc của thầy làm ai cũng cảm phục và luôn nhớ mãi (nhớ để tự răn mình đừng mắc phải).
Có giáo viên biết được dọa rằng “chuẩn bị tinh thần đi, nếu thầy hiệu trưởng biết sẽ được mời lên phòng uống nước trà”.
Cuối buổi, thầy mời tôi lên phòng (tôi bắt đầu run và chờ đợi cơn quát mắng đổ xuống như tôi từng chứng kiến ở trường cũ trước đây).
Khác với những gì đang nghĩ trong đầu, thầy mời nước và chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng lần sau ai nhờ dạy cũng không tự ý lên lớp khi người đó chưa báo cho nhà trường.
Còn cô bạn đồng nghiệp hôm ấy mặc sai đồng phục (quy định của trường sáng mặc áo dài, chiều mặc đồ sơ mi).
Thầy nhìn nữ giáo viên cười nói “Hôm nay cô H có bộ đồ đẹp quá!”. Biết thầy nhắc nhở, cô bạn tôi cười nói “Em biết rồi thầy ạ, nhà cúp điện em chưa ủi được đồ dài”.
Trong các trường học thường có câu khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” không chỉ dành cho học sinh mà chính các thầy cô giáo cũng rất cần điều này.
Giáo viên có giảng dạy hiệu quả, có làm việc tận tình thì trước hết chính họ phải cảm thấy thoải mái, dễ chịu ngay trong chính ngôi nhà thứ hai (tức là trường học) của mình.
Điều này phụ thuộc nhiều vào Ban giám hiệu nhà trường. Không ít giáo viên than rằng “cứ nghĩ lên đến trường phải đối mặt với khuôn mặt khó đăm đăm, với cái nhìn xét nét, soi mói và bắt bẻ của hiệu trưởng đã thấy ngán vô cùng.
Bởi thế, mong muốn của thầy cô giáo chỉ mong sao mình có được một người lãnh đạo tốt để mỗi ngày đến trường đều thực sự là một ngày vui./.
ST