Quy định mới trong thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
Lượt xem:
– Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định số 116/2010/NĐ-CP) và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định số 64/2009/NĐ-CP).
– Bãi bỏ Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định số 61/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định số 19/2013/NĐ-CP).
Như vậy, kể từ ngày 01/12/2019 trở đi, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có sự thay đổi trong thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.
Nghị định số 76/2019/NĐ-CP là sự kế thừa, tổng hợp của các chính sách hiện nay đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Nghị định đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thời gian qua, nhất việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 116/2010/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP có một số điểm mới, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cần lưu ý khi triển khai thực hiện như sau:
Thứ nhất,thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặt biệt khó khăn được xác định cụ thể, rõ ràng và chi tiết đến phạm vi thôn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, đối với các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp … (gọi tắt là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được áp dụng các chính sách quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, Nghị định số 64/2009/NĐ-CP và Nghị định số 116/2010/NĐ-CPthì kể từ ngày 01/12/2019 trở đi không thuộc phạm vi áp dụng của chính sách này. Bên cạnh đó, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển cũng được đưa ra ngoài phạm vi áp dụng tại Nghị định này, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Thứ hai,bổ sung về đối tượng áp dụng. Nghị định số 76/2019/NĐ-CP quy định cụ thể, làm rõ thêm các nhóm đối tượng áp dụng theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định cụ thể, bao gồm cả đối tượng là người đang tập sự. Đối với người lao động xác định rõ ràng, là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đã khắc phục được những vướng mắc trong việc áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đối với người lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp xã.
Bên cạnh đó kể từ ngày Nghị định số 76/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ sẽ thôi hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và không được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này.
Thứ ba,bổ sung mới các khoản phụ cấp so với Nghị định số 116/2010/NĐ-CP. Nghị định số 76/2019/NĐ-CP là sự chuyển tiếp, kế thừa của 07 nhóm phụ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, gồm: (i) phụ cấp thu hút; (ii) phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặt biệt khó khăn; (iii) trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặt biệt khó khăn; (iv) trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; (v) trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặt biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; (vi) thanh toán tàu xe; (vii) trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, Nghị định đã kế thừa một số chính sách đặc thù theo ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP, gồm:
– Phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với: (i) công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Nghị định số 61/2006/NĐ-CP); (ii) công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm Trạm y tế cấp xã; Trạm y tế cơ quan, trường học; Phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên; (iii) sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyển môn y tế tại các Trạm y tế kết hợp quân dân y (Nghị định số 64/2009/NĐ-CP).
– Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Nghị định số 61/2006/NĐ-CP.
Ngoài những quy định được kế thừa trên cơ sở có sửa đổi, bổ sung và những điểm mới so với các quy định hiện hành nêu trên, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể hơn về thời điểm thực hiện chế độ trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; xác định rõ các nhóm căn cứ để tính trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch cho một người; quy định cụ thể căn cứ tính thời gian thực hiện làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; phân định rõ nguồn kinh phí, thẩm quyền, trách nhiệm chi trả của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách này.
Có thể nói, cùng với việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP là sự thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng, Nhà nước trong quan tâm, tập trung chăm lo, đầu tư phát tiển kinh tế – xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặt biệt khó khăn. Mà ở đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang là trụ cột, là cầu nối quan trọng trong phổ biến, tuyển truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Nhằm thu hút, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang yên tâm công tác, gắn bó với cơ sở, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao dân trí, phát triển an sinh xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặt biệt khó khăn.